Chào mọi người, bài viết này được thực hiện khi Deligent đã trải qua gần 1 tháng kể từ thời điểm phát hành bản thử nghiệm. Trong bài viết này, tôi - người giao hàng, viết code, làm content, founder chia sẻ những định hướng của mình về Deligent trong tương lai.
1. Đôi nét về Deligent
Nói một cách ngắn gọn Deligent là nền tảng thiết kế áo thun bằng AI. Nơi bạn có thể đưa ra những ý tưởng của mình dưới dạng mô tả và Deligent sẽ "vẽ" nó. Không chỉ dừng lại ở nền tảng thiết kế, Deligent còn sản xuất ra chiếc áo mà bạn đã yêu cầu với chất lượng tốt nhất và giá cả phải chăng.
Hình 1. Giao diện Deligent trong giai đoạn thử nghiệm.
Ngay từ cái tên đã thấy được phần nào định hướng mà chúng tôi hướng đến: deligent = design + intelligent + generative.
Deligent, sản phẩm đầu tiên của TENSORACT - một startup tập trung vào việc cung cấp AI cho ngành thương mại điện tử, là minh chứng cho quan điểm của tôi rằng chỉ khi trải nghiệm trực tiếp, chúng ta mới có thể hiểu rõ và biết cần tối ưu hóa ở những chỗ nào. Cùng với Deligent, tôi đã trở thành một người bán lẻ, người bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.
2. Giá trị cốt lõi mà Deligent hướng đến
Ở Deligent có 3 vấn đề mà tôi xem là quan trọng nhất đó là công nghệ, cung ứng và trải nghiệm mua sắm.
2.1. Công nghệ
Là điều làm nên chất riêng của Deligent, là công cụ của sự sáng tạo của người dùng. Chúng tôi với đội ngũ nhà phát triển trẻ và năng động luôn tích cực lắng nghe để cải thiện Deligent từng ngày.
Hiện tại, Generative AI là một lĩnh vực đang thu hút sự chú ý lớn, với nhiều nghiên cứu và công nghệ mới liên tục ra đời khiến Deligent - một sản phẩm ứng dụng Generative AI bị xoáy vào cuộc đua đó. Tuy nhiên, tôi luôn giữ vững các mục tiêu cơ bản sau:
- Cải thiện chất lượng hình ảnh được sinh ra.
- Cung cấp đa dạng các công cụ chỉnh sửa thiết kế.
- Hỗ trợ dữ liệu tiếng Việt và thuần Việt. Từ phiên bản thử nghiệm, Deligent đã có khả năng xử lý các yêu cầu bằng tiếng Việt để tạo sự thân thiện với người dùng. Trong tương lai, các dữ liệu thuần Việt như bánh chưng, bánh giày, phở, bánh mì Việt Nam, áo dài, dép tổ ong, nón cối,... sẽ được thêm vào.
- Tự chủ về công nghệ. Dù là một startup mới với nguồn lực và kinh nghiệm hạn chế, chúng tôi vẫn hướng tới việc tự chủ công nghệ. Điều này được thể hiện qua việc thực hiện nghiên cứu nội bộ, tài trợ nghiên cứu và tham gia các cuộc thi về AI trong tương lai,... Mặc dù điều này có thể tạo ra nhiều chi phí nhưng đây là hướng đi giúp Deligent không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua công nghệ đang diễn ra với tốc độ chóng mặt.
2.2. Các vấn đề cung ứng
Suy cho cùng điều mà người dùng cần vẫn là một chiếc áo tốt với thời gian cung ứng nhanh nhất. Với số lượng thiết kế khổng lồ được tạo bởi người dùng, chúng tôi phải thiết kế một chuỗi cung ứng linh hoạt theo mô hình POD (Print On Demand). Tuy nhiên POD truyền thống lại phát sinh các vấn đề vô cùng lớn:
-
Chất lượng sản phẩm: với quan điểm in lẻ dùng ít lần. Người dùng và cả nhà sản xuất thường chọn chất liệu vải chưa đạt để lắp vào giá thành in ấn.
-
Thời gian cung ứng: với mô hình in lẻ truyền thống thời gian cung ứng từ 3-5 ngày chưa tính thời gian giao hàng đến người đặt. Do đó thường mô hình in lẻ chỉ áp dụng cho số lượng đơn hàng lớn. Ví dụ điển hình là gửi thiết kế để đặt áo lớp, áo team building cho công ty, áo cặp đôi cho sự kiện đặt biệt,... ở các nhu cầu đó người mua chấp nhận thời gian cung ứng lâu một chút. Nhưng Deligent hướng tới cả khách hàng cá nhân do đó thời gian cung ứng như trên là không thể đáp ứng được.
-
Giá thành in ấn: khác với in hàng loạt, in ấn lẻ thường sử dụng các công nghệ hiện đại để chuyển đổi thiết kế kĩ thuật số sang bản in và các loại mực đắt tiền. Do đó việc sản xuất POD có thể giá khá cao.
"Chú em sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức đấy" - là chia sẻ của một chủ xưởng sản xuất khi tôi liên hệ về vấn đề cung ứng của Deligent. Tuy nhiên với tinh thần điếc không sợ súng, tôi đã lặn lội ở rất nhiều xưởng ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,... và lắng nghe chia sẻ mà các xưởng gặp phải khi vận hành mô hình POD. Từ đó rút ra được những kinh nghiệm đầu tiên để cải thiện chuỗi cung ứng ở Deligent.
Ở giai đoạn thử nghiệm, Deligent đã có thể vận hành chuỗi cung ứng và khắc phục cơ bản được những vấn đề kể trên. Tuy nhiên chúng tôi chưa trải qua "stress test" thực sự nên vẫn còn rất nhiều vấn đề tiềm ẩn chưa bộc phát. Mục tiêu ở cung ứng mà tôi muốn hướng tới là POD nhưng tốc độ, chất lượng và giá thành như sản xuất hàng loạt.
2.3. Trải nghiệm mua sắm
Hình 2. Ảnh mà người dùng giai đoạn thử nghiệm gửi về.
Không chỉ làm công nghệ, làm cung ứng mà Deligent còn đối mặt với bài toán làm sao cải thiện trải nghiệm mua sắm của người dùng. Deligent mang đến cho người dùng một trải nghiệm mới lạ và những công cụ mới lạ, vì vậy chúng tôi cần phải làm việc rất khó khăn là "Educate thị trường, người dùng". Với một nguồn lực hữu hạn của một startup thì đây là vấn đề mà tôi phải đau đầu từng ngày.
Tôi hy vọng rằng bạn không chỉ mua những thiết kế do chính mình tạo ra, mà còn có thể chia sẻ chúng với những người có "cùng gu". Qua đó, bạn còn có thể tạo ra một nguồn thu nhập từ việc chia sẻ thiết kế của mình. Đây là một hành trình dài mà tôi mong muốn có sự đồng hành của bạn. Cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng một cộng đồng người dùng, chia sẻ ý tưởng và lan tỏa sức mạnh của công cụ AI trong cuộc sống hàng ngày.